30/11/2022
Người lao động Quảng Trị mở rộng sản xuất, kinh doanh từ vốn ưu đãi việc làm

Thời gian qua, các nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã phát huy hiệu quả tại Quảng Trị, tạo đòn bẩy cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.


Xưởng mộc dân dụng của anh Lê Văn Xuân ở Khu phố 1, phường Đông Lương, TP Đông Hà

Chị Trương Thị Nghĩa là chủ Công ty TNHH Môi trường và Thương Mại Quốc Bảo Envico (trụ sở tại Phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Đây là doanh nghiệp nhỏ, chuyên sản xuất, kinh doanh nước uống tinh khiết đóng chai loại 500ml – 1,5 lít và loại bình 20 lít; đồng thời cung cấp, lắp đặt, bảo dưỡng các hệ thống xử lý nước tinh khiết, máy lọc nước,…Chị Nghĩa cho biết, 2 vợ chồng chị nhận chuyển nhượng lại công ty này từ năm 2019 và cũng gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình vận hành doanh nghiệp, tạo dựng uy tín cho thương hiệu. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 lây lan, bùng phát mạnh, công việc sản xuất, kinh doanh của công ty gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, thu nhập của doanh nghiệp.

Tháng 4/2022, thông qua Hội Phụ nữ Phường 2, chị Nghĩa biết đến nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19. Chị Nghĩa bàn bạc với chồng vay nguồn vỗn hỗ trợ này để mua sắm vật tư, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Quốc Bảo Envico. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã Quảng Trị, chị Trương Thị Nghĩa đã vay được 70 triệu đồng để bổ sung vào nguồn vốn sản xuất của công ty. Đến nay, các sản phẩm nước uống tinh khiết đóng chai của Quốc Bảo Envico đã tìm được chỗ đứng trên thị trường không chỉ ở thị xã Quảng Trị mà còn phân phối ra các địa phương lân cận, như Hải Lăng, Triệu Phong. Cũng chính nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định, công ty của vợ chồng chị Nghĩa đã góp phần giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng/người. 

“Hiện, chúng tôi cũng đang có kế hoạch nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất, mở rộng thị trường, mua sắm thêm phương tiện vận chuyển. Nếu Nhà nước có các chính sách ưu đãi, sẽ giúp chúng tôi có thêm nguồn vốn mở rộng sản, xuất kinh doanh, qua đó không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà còn giúp giải quyết việc làm cho người lao động địa phương”, chị Nghĩa chia sẻ.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Quảng Trị Lê Hải Hà cho biết, đơn vị luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi sẵn có, nhất là các nguồn ưu đãi về việc làm. Tính đến ngày 31/10/2022, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm tại thị xã Quảng Trị là 69.081 triệu đồng. Riêng năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Quảng Trị đã cho vay theo Nghị quyết 11 là 31.425 triệu đồng, với 526 người lao động vay vốn.

Cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đầu năm 2022, anh Lê Văn Xuân, chủ cơ sở mộc dân dụng tại Khu phố 1, phường Đông Lương (TP Đông Hà) đã được vay 50 triệu đồng nguồn vốn theo Nghị quyết 11 từ Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp anh ổn định sản xuất, mở rộng nhà xưởng. Cơ sở mộc của ảnh Xuân hiện đang tạo việc làm ổn định cho 5 thợ lành nghề và anh cũng đang có ý định tuyển thêm lao động do khối lượng đơn hàng gia tăng. 

Nguồn tín dụng tạo việc làm theo Nghị Quyết 11 cũng đã giúp anh Hoàng Thanh Minh, ở Khu phố 3 (Phường 4, TP Đông Hà) tạo dựng được xưởng đóng gạch bờ lô sau khi trở về quê hương từ TP Hồ Chí Minh do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Đức Xuân Hương - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm theo Nghị quyết 11, Quỹ quốc gia về việc làm cũng như các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là rất lớn. Thời gian vừa qua, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách; các văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị Quyết số 11 và văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH, các Sở, ban ngành liên quan và chính quyền địa phương chỉ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn trên địa bàn.

Theo bà Hương, sau khi được trung ương giao vốn, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị đã kịp thời phân bổ cho từng phòng giao dịch, huy động toàn bộ lực lượng đi đến tận các xã để giải ngân nhằm tạo điều kiện để người dân được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng. Kết quả, đến nay, dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 219 tỷ đồng, trong đó chương trình hỗ trợ tạo việc làm đạt 100 tỷ đồng, với gần 2,4 nghìn lao động được hỗ trợ. Mặt khác, tổng dư nợ chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị đến nay đạt 509 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 12 nghìn lao động tại địa phương. 

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị khẳng định, tỉnh Quảng Trị quyết liệt triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Quảng Trị ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ vốn vay cho người lao động. Các nguồn vốn đã tạo đòn bẩy cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

“Trong thời gian tới, để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống và ngày càng phát huy hiệu quả, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện sử dụng vốn vay, đôn đốc, khuyến khích người vay vốn tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật như: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…để nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh”, bà Hương cho biết thêm.


Tác giả bài viết: THẢO VI

Nguồn tin: Lao động và xã hội / số 142 / trang 6 / ngày 27.11.2022