03/08/2021
Hệ lụy từ 'cơn lốc' điện gió

Hàng chục dự án điện gió được cấp phép và thi công ở miền tây Quảng Trị, mở ra cơ hội mới nhưng cũng phát sinh nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, môi trường...


Những đồi núi loang lổ vì thi công điện gió ở miền tây Quảng Trị, THANH LỘC

Nằm trên trục đường xuyên Á, QL9 là tuyến giao thông trọng yếu nối từ cảng Cửa Việt (H.Gio Linh), TP.Đông Hà lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Từ khi các dự án điện gió xuất hiện, người và các phương tiện lưu thông phải di chuyển với tốc độ “rùa bò”, nhiều khi phải dừng hàng tiếng đồng hồ. Lý do là dày đặc những chuyến xe chở thiết bị siêu trường siêu trọng, với tốc độ trên dưới 10 km/giờ, khi gặp sự cố thì càng thêm ách tắc.

Phát sinh điểm nóng

Trước tình trạng này, Cục Quản lý đường bộ 2 đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tạm thu hồi giấy phép lưu hành đã cấp cho các tổ hợp xe vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng để bổ sung đầy đủ việc kiểm định, thử tải tải trọng cầu… Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm bụi bặm, tiếng ồn. “Xe điện gió đi qua, chúng tôi nín thở. Mà mỗi ngày có khi có cả chục chuyến như thế”, chị Lê Thị Hương, một chủ tiệm tạp hóa ven đường ở TT.Khe Sanh, bức xúc.

Đã có những xung đột xảy ra giữa chủ đầu tư (CĐT) và người dân. CĐT gửi đơn “cầu cứu” lên các cấp chính quyền, “tố” tình trạng mất cắp vật tư thiết bị tại công trường, bị ngăn cản thi công, đe dọa công nhân, phá hoại tài sản, đòi bồi thường với mức giá quá vô lý… Như Thanh Niên đã phản ánh, từng có hộ dân đòi bồi thường 200 triệu đồng cho một ngôi mộ và cúng 2 con trâu theo phong tục; có hộ dân đòi bồi thường 1,5 tỉ đồng cho khu đất rộng 1.800 m2 chưa có “sổ đỏ”…

Ở phía ngược lại, người dân cũng bức xúc khi CĐT chưa thỏa thuận xong bồi thường đã vội vã thi công, thi công ẩu… Trong đó, ông Trần Quang Liệu trình báo việc Công ty CP điện gió Khe Sanh (chủ dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1) thi công trên diện tích hơn 6 ha của gia đình ông ở xã Hướng Lộc (H.Hướng Hóa), dù chưa thỏa thuận bồi thường.

Ông Lê Quang Thuận, Chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, cho biết ngày 20.7 chính quyền huyện gửi văn bản yêu cầu CĐT phải tạm dừng thi công trên đất của ông Liệu nếu không giải quyết dứt điểm vướng mắc. Nhưng sau đó, Công ty CP điện gió Khe Sanh lại có văn bản “cầu cứu” UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng văn bản của UBND H.Hướng Hóa là nguy hại nghiêm trọng đến dự án (!).

Nhắc lại, hồi giữa tháng 5, trên công trường dự án điện gió của Công ty TNHH Tài Tâm Quảng Trị đang xây dựng tại xã Húc (H.Hướng Hóa) còn xuất hiện một số “anh em xã hội” có thái độ đe dọa sau vụ xô xát giữa người dân địa phương với người của công ty. Vài ngày sau, nhóm 20 thanh niên xăm trổ này bị cơ quan chức năng buộc phải rời khỏi địa bàn.

Thi công... bất chấp

Những dự án điện gió ở Quảng Trị đều triển khai ở khu vực đồi núi, tại “thung lũng gió” Hướng Linh và rất gần khu dân cư như Tân Liên, Tân Lập, Húc, thậm chí là TT.Khe Sanh (H.Hướng Hóa). Mùa mưa lũ chưa đến, nhưng sau vài trận mưa, ruộng lúa của người dân thôn Cheng (xã Tân Liên) đã bị đất đá từ con đường thi công của một dự án điện gió trôi xuống vùi lấp. Ông Hồ Văn Lăn (người dân địa phương) lo lắng: “Ruộng mình làm bên dưới, chắc chắn khi có mưa lụt, đất cát sẽ trôi xuống thôi, rồi sau này không biết sao để canh tác”.

Ông Lê Quang Thuận cho biết địa phương luôn kiểm tra đôn đốc để việc thi công đúng thiết kế kỹ thuật, tránh bồi lấp, sạt lở, không được rào chắn ngăn cản người dân đi lại... Tuy nhiên, trên thực tế thì ngược lại. Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, cũng đã đề cập nguy cơ tiềm ẩn sạt lở, bồi lấp đất đá khi mùa mưa lũ đang đến gần. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 8 (diễn ra ngày 15 - 16.7), ông Hùng cho rằng do các dự án điện gió có hiện trạng mặt bằng thi công tương đối lớn kéo theo hàng triệu mét khối đất đá được san gạt, đắp lên đường vận chuyển… “Ngành TN-MT cần sớm đưa ra dự báo tình hình, lên phương án cụ thể để giảm thiểu tình trạng này”, ông Hùng nói.

Đáng lo ngại hơn, một số dự án điện gió vì muốn hoàn thành trước ngày 1.11.2021 (để được hưởng những ưu đãi của Chính phủ) đã triển khai thi công theo kiểu… bất chấp: chưa thực hiện xong trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất đã thi công. Hồi giữa tháng 7, qua giám sát, HĐND tỉnh Quảng Trị phát hiện, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất và đề nghị tạm dừng thi công các công trình, dự án điện gió khi chưa thực hiện xong trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất. Trong đó, 3 dự án được “bêu tên” do chưa thu hồi đất đã thi công gồm điện gió Tài Tâm (của Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị), điện gió Hoàng Hải (Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị), điện gió Amaccao Quảng Trị 1 (Công ty CP điện gió Khe Sanh).

Phải đánh giá tổng thể tác động môi trường

Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió) đã mang lại cho Quảng Trị những con số ấn tượng. Lần đầu tiên, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm gần bằng dự toán cả năm T.Ư giao (2.600 tỉ đồng, đạt 76% dự toán địa phương và 92,5% dự toán T.Ư). Tuy nhiên, cũng chính việc cấp tập cấp phép, thi công ồ ạt nhà máy điện gió ở vùng cao Quảng Trị đã đặt ra nhiều mối lo.

Cũng tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 8 vừa diễn ra, ông Nguyễn Chiến Thắng, Bí thư Thành ủy Đông Hà, cho rằng trước hết phải có quy hoạch tổng thể của các dự án tái tạo năng lượng để đánh giá toàn diện tác động của môi trường. “Đề nghị Giám đốc Sở TN-MT cùng các CĐT, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phải giám sát hoạt động, đánh giá toàn diện tác động môi trường của các dự án năng lượng”, ông Thắng nói.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, nhiều lần khẳng định chủ trương của tỉnh là “không đánh đổi môi trường để lấy các dự án điện gió”. Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN-MT, cũng cho hay Sở đang xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường tổng thể các dự án. “Trên cơ sở đó để đưa ra những giải pháp, phương án bảo vệ môi trường lâu dài hơn”, ông Khoa nói. Hiện Sở TN-MT đang triển khai nhiều biện pháp, như phát động các CĐT trồng 1 triệu cây xanh ven đường và những khu vực có nguy cơ tác động trực tiếp; gia cố kè đá, taluy ở vị trí có nguy cơ sạt lở...

Trả lời PV Thanh Niên, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận việc đánh giá tổng thể tác động môi trường các dự án điện gió là điều rất cần làm. “Trong từng dự án riêng lẻ thì người ta đã có đánh giá tác động môi trường rồi, nhưng còn tổng thể thì chưa. Hiện tỉnh đã giao cho Sở TN-MT hợp đồng với các đơn vị tư vấn, làm đề án chỉn chu, đánh giá tổng thể để UBND tỉnh báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dự kiến khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 phải có. Phát triển năng lượng tái tạo là một xu thế, bên cạnh đó có nảy sinh một số vấn đề thì chúng tôi phải chỉ đạo sát hơn”, ông Hưng nhấn mạnh.

Hiện nay, Quảng Trị có 2 dự án (DA) điện gió đã đi vào vận hành (tổng công suất 60 MW), 25 DA đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng (tổng công suất hơn 987 MW), 4 DA đang trình UBND tỉnh cấp chủ trương (tổng công suất 130 MW). Ngoài ra, Quảng Trị đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung 53 DA vào quy hoạch phát triển điện lực (tổng công suất hơn 2.853 MW) và chấp thuận cho 7 DA vào triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch (tổng công suất dự kiến khoảng 1.590 MW).


Tác giả bài viết: Nguyễn Phúc

Nguồn tin: Thanh niên  / số 213 / trang 22 / ngày 1.8.2021