02/04/2021
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo quản tài liệu hán nôm tại các thư viện Việt Nam


Đặt vấn đề

Tài liệu Hán Nôm (TLHN) - một loại tài liệu lưu trữ rất quan trọng và có giá trị về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, quốc phòng, an ninh ngoại giao, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, theo thời gian cùng với ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguồn tài liệu này đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ, hư hỏng ở mức báo động. Thậm chí, khó có khả năng sửa chữa và phục chế để tái khai thác và lưu trữ.

Từ thực tế trên, ngay từ những năm 1960 đến nay, hàng loạt các văn bản pháp quy của Nhà nước và Chính phủ liên quan đến công tác sưu tầm, bảo quản, khai thác và phát huy giá trị TLHN đã ra đời như: Chỉ thị số 117-TTg, Quyết định 311-CP… Gần đây nhất là Văn bản số 10/VBHN- VPQH ra ngày 23/07/2013, hợp nhất Luật Di sản văn hoá quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá (bao gồm di sảnvăn hoá vật thể và phi vật thể), cũng như xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hoá ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Có thể nói các văn bản pháp quy ra đời là công cụ, cơ sở định hướng cho các thư viện (TV) làm tốt hơn công tác bảo quản và khai thác TLHN, nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị của tài liệu trong thời đại mới. Đây có thể coi là nhiệm vụ chính trị của các TV đang lưu trữ nguồn tài liệu này.

1. Các nguồn lưu trữ tài liệu Hán Nôm hiện nay

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một số liệu thống kê, tổng hợp chính xác về các vốn TLHN hiện được lưu giữ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ở Việt Nam, ngoài các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, hầu hết nguồn TLHN được lưu giữ chủ yếu trong các TV công cộng, TV của viện nghiên cứu và trường đại học. Nhiều nhất phải kể đến TV của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện đang lưu giữ trên 34.000 đơn vị sách Hán Nôm, 20.000 đơn vị ván khắc Hán Nôm và hơn 56.000 đơn vị thác bản văn khắc Hán Nôm như bia đá, chuông đồng, khánh, biển gỗ… từ thế kỷ XI đến thời Nguyễn thế kỷ XX [2]. Ở nước ngoài, TLHN tản mạn ở nhiều quốc gia, tập trung nhiều nhất ở Pháp.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo quản tài liệu Hán Nôm

2.1. Xây dựng chính sách bảo quản tài liệu Hán Nôm

Việc xây dựng chính sách bảo quản tài liệu phải có kế hoạch cụ thể, đảm bảo xác định được các yêu cầu và hành động thực thi cụ thể với sự kết hợp của nhiều yếu tố về con người, tài chính, cơ sở vật chất... Các TV có thể thực hiện theo tiến trình sau [1]:

 (1) Thiết lập các quy định cho quá trình xây dựng chính sách: các TV cần thành lập một nhóm nhân sự thực hiện việc biên soạn chính sách. Nhóm này có trách nhiệm thảo luận các bước cần thực hiện, cũng như sẽ theo dõi và chỉ đạo toàn bộ quá trình biên soạn và điều chỉnh chính sách.

 (2) Thu thập thông tin làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách: Để có cơ sở trong việc xây dựng chính sách, các TV cần tiến hành thu thập thông tin liên quan đến công tác bảo quản TLHN thông qua việc nghiên cứu các tài liệu liên quan và tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng công tác này của TV mình hiện tại.

 (3) Viết bản dự thảo cho chính sách: Chính sách phải được trình bày một cách hệ thống, rõ ràng, với cách hành văn và sử dụng từ ngữ dễ hiểu, tránh  dùng các thuật ngữ quá chuyên sâu để mọi đối tượng có thể sử dụng.

 (4) Lấy ý kiến cho bản dự thảo: Việc lấy ý kiến đóng góp tập trung vào những đối tượng sau: thành viên của nhóm biên soạn chính sách; người sử dụng TLHN; những người có trình độ, hiểu biết về các nguồn tài liệu lưu trữ.

 (5) Sửa chữa, điều chỉnh chính sách: Nhóm hoặc cá nhân chịu trách nhiệm biên soạn chính sách thực hiện việc sửa chữa, điều chỉnh dựa trên những phản hồi trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho bản dự thảo.

 (6) Phê duyệt và ban hành chính sách: Sau khi hoàn tất việc sửa chữa và điều chỉnh, chính sách sẽ được đệ trình lên lãnh đạo TV, lãnh đạo cơ quan chủ quản (nếu có) xem xét phê duyệt và ban hành.

 (7) Công bố, tiếp tục cập nhật, điều chỉnh chính sách theo định kỳ: Khi được phê duyệt và có quyết định ban hành, chính sách cần được công bố và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Fanpage TV, trang web TV, các ấn phẩm thông tin, phát thanh, truyền hình... Trong quá trình áp dụng chính sách, những người chịu trách nhiệm cần tiến hành đánh giá, cập nhật và tiếp tục điều chỉnh để chính sách luôn phù hợp trong thực tiễn.

2.1. Đổi mới, nâng cao nhận thức của người làm thư viện và người đọc về tầm quan trọng của công tác bảo quản tài liệu Hán Nôm

Việc đổi mới, nâng cao nhận thức của người đọc và người làm TV trong công tác bảo quản TLHN là cần thiết, nhằm giúp họ hiểu rõ các giá trị của tài liệu, có ý thức hơn trong việc sử dụng, tránh làm nguy hại đến tài liệu. Các TV có thể triển khai thực hiện giải pháp này bằng cách:

  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị TLHN đến người đọc và người làm TV dưới dạng văn bản và các hình thức trực quan sinh động khác nhau.
  • Tổ chức các hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề về TLHN, kết hợp mời các chuyên gia Hán Nôm hoặc nhà phê bình sách để giúp người đọc và người làm TV có cái nhìn đúng về giá trị của vốn tài liệu này trong đời sống xã hội ngày nay, giúp nâng cao ý thức giữ gìn và bảo quản tốt tài liệu.
  • Người làm TV cần chủ động, thường xuyên nhắc nhở người đọc thực hiện đúng các nội quy, quy định của TV khi khai thác tài liệu, phải luôn coi đó là tài sản của dân tộc, phải có ý thức giữ gìn và tránh làm tổn hại đến tài liệu dù nhỏ nhất.
  • Ngoài ra, cần xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với những trường hợp gây hại đến tình trạng vật lý, nội dung tài liệu để răn đe và giáo dục ý thức của người đọc.

2.3. Xây dựng bộ phận chuyên trách thực hiện công tác bảo quản tài liệu Hán Nôm

Chức năng của bộ phận chuyên trách:

  • Nghiên cứu xây dựng chế độ bảo quản tài liệu nói chung và TLHN nói riêng.
  • Nghiên cứu xây dựng các phương án phòng chống, hạn chế đến mức thấp nhất việc gây hại đến TLHN trong TV.
  • Duy trì, bảo quản tốt nhất tình trạng vật lý các TLHN nhằm phục vụ người đọc.
  • Phục chế, chuyển dạng tài liệu nhằm phục vụ, chia sẻ và bảo quản lâu dài.

Các yêu cầu về nhân sự trong bộ phận chuyên trách:

  • Về trình độ, kiến thức:

+ Được đào tạo một trong những chuyên ngành như: Thư viện - Thông tin học, Lưu trữ học, hoặc Hán Nôm học (tốt nghiệp từ đại học trở lên).

+ Có kiến thức, kinh nghiệm về thực hành bảo quản tài liệu, nhất là các tài liệu cổ quý hiếm.

+ Biết chữ Hán, chữ Nôm; am hiểu nội dung, thành phần và giá trị vốn tài liệu này tại TV.

  • Về các kỹ năng và yêu cầu khác:

+ Kỹ năng tuyên truyền, quảng bá tài liệu đến với người đọc.

+ Sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo quản tài liệu.

+ Có tác phong nhanh nhẹn, cẩn thận, tỉ mỉ... trong quá trình làm việc.

Hình thức đào tạo, bồi dưỡng: Có thể chọn một trong hai cách sau:

  • Cách 1 - Đào tạo dài hạn: Đây là hình thức đòi hỏi sự tốn kém về kinh phí, thời gian vì phần lớn phải đào tạo ở nước ngoài. Người làm TV phải hoàn tất một chương trình đào tạo dài hạn để được cấp bằng hoặc chứng chỉ, thời gian có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm. Phổ biến nhất hiện nay là các chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên về bảo quản và khai thác các tài liệu lưu trữ tại các trường đại học ở Bắc Mỹ, Nga, Pháp, Xingapo, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Đài Loan…
  • Cách 2 - Đào tạo ngắn hạn: Đây là một lựa chọn khả thi của nhiều TV vì nó không đòi hỏi kinh phí quá cao, thời gian đào tạo ngắn. Thông qua việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trực tiếp tại nơi đào tạo trong khoảng thời gian một đến vài tuần (tuỳ theo chương trình học đơn vị đó quy định), người làm TV có thể dễ dàng nắm bắt và thực hành được các kỹ năng cần thiết về bảo quản tài liệu. Để việc đào tạo có chất lượng nên chọn những đơn vị có uy tín, kinh nghiệm và đầy đủ các trang thiết bị thực hành cần thiết như: TV Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, TV Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng...

2.4. Tăng cường cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo quản tài liệu Hán Nôm

Các TV cần có kế hoạch cụ thể trong việc tăng cường cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác bảo quản TLHN tại TV mình. Các TV cần tiến hành cải tạo lại kho lưu trữ tài liệu nếu đã xuống cấp như sửa chữa chống thấm lại trần, bồi vá các vết nứt trên tường, cũng như quét vôi, sơn mới lại tường bên trong kho nhằm tránh tình trạng ẩm mốc, bụi bẩn và sự tấn công của côn trùng từ bên ngoài vào. Bên cạnh đó để kiểm soát điều kiện môi trường, không khí trong kho, các TV cũng cần đầu tư mua sắm, thay thế một số trang thiết bị như hệ thống máy thông gió, máy điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm, dụng cụ đo nhiệt độ và độ ẩm. Ngoài ra, cũng cần lắp thêm các hộp đèn để ngăn chặn ánh sáng trực tiếp từ đèn quỳnh quang (chứa nhiều tia tử ngoại gây hại tài liệu).

2.5. Bổ sung nguồn kinh phí cho công tác bảo quản tài liệu Hán Nôm

Việc đảm bảo kinh phí cho công tác bảo quản tài liệu nói chung, các tài liệu thuộc diện lưu trữ, quý hiếm như TLHN nói riêng là một phần trong chủ trương, chính sách của Nhà nước ta đối với lĩnh vực Thư viện - Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng. Điều đó đã được thể hiện qua hàng loạt các văn bản pháp quy, rõ nhất là Luật Lưu trữ năm 2011 (mục 1, điều 4 và mục 1, điều 39); Luật Di sản văn hoá năm 2013 (mục 5, điều 17).

Các TV có thể tăng cường bổ sung nguồn kinh phí cho công tác bảo quản tài liệu bằng cách:

  • Có thể đề xuất với cơ quan chủ quản tăng nguồn kinh phí hàng năm cho hoạt động bảo quản tài liệu nói chung, các tài liệu quý hiếm nói riêng. Nếu được xem xét, đây sẽ là nguồn kinh phí ổn định và lâu dài cho các TV.
  • Có thể xin thực hiện dự án/ nhiệm vụ/ đề tài các cấp liên quan đến công tác bảo quản TLHN để xin kinh phí như các dự án số hoá, chuyển dạng để lưu trữ bảo quản.
  • Ngoài ra, các TV cũng có thể tự tạo nguồn kinh phí thông qua việc hợp tác, chia sẻ nguồn TLHN với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu, giáo dục; tìm kiếm nguồn kinh phí tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là các chương trình của Tổ chức UNESCO, Ngân hàng thế giới (World Bank) về bảo tồn Di sản văn hoá phi vật thể, bảo tồn Di sản Hán Nôm, bảo quản tài liệu quý hiếm…

2.6. Tăng cường công tác bảo quản dự phòng

Để công tác bảo quản dự phòng đạt hiệu quả cao, các TV có thể tiến hành các hoạt động sau:

Tổ chức khoa học vốn TLHN trong kho:

Để quản lý và bảo quản tốt TLHN, các TV cần bố trí lưu trữ tài liệu ở một kho riêng và tổ chức khoa học tài liệu bằng các việc sau:

  • Xử lý tài liệu trước khi nhập kho: Gồm xử lý hình thức tài liệu; khử trùng, làm vệ sinh; kiểm tra tình trạng vật lý tài liệu; đối chiếu thông tin tài liệu với số liệu thống kê.
  • Xếp tài liệu lên kệ: TLHN được xếp lên kệ phải gọn gàng theo đúng nguyên tắc, trật tự đã quy định. Để tạo điều kiện tra tìm tài liệu được nhanh chóng, trên các kệ tài liệu cần có bảng chỉ dẫn cụ thể.
  • Đưa tài liệu ra sử dụng: Khi đưa TLHN ra phục vụ người đọc, người làm TV phải kiểm tra tình trạng vật lý của tài liệu, chỉ phục vụ những tài liệu trong tình trạng vật lý tốt. Ngoài ra, người làm TV phải luôn nhắc nhở người đọc thực hiện nghiêm chỉnh nội quy của TV, các vấn đề đảm bảo an toàn cho tài liệu.
  • Kiểm tra tài liệu trong kho: Hàng năm, các TV cần có kế hoạch kiểm kê lại số lượng và tình trạng vật lý của các TLHN trong kho. Kết quả của kiểm tra phải ghi thành văn bản. Khi phát hiện tài liệu bị hư hỏng phải tách riêng để tu bổ, phục chế kịp thời.

Điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm trong kho thích hợp:

Theo tiêu chuẩn ISO NP 11799 - Yêu cầu lưu trữ đối với tài liệu TV và lưu trữ: nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng cho tài liệu giấy là 13 - 20oC/ độ ẩm 45 - 55% và theo tiêu chuẩn ISO 3897 - Ảnh lưu trữ: nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng cho sách ảnh là < 18oC/ độ ẩm 30 - 40%. Vì thế, muốn đảm bảo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, các TV cần có những giải pháp điều chỉnh như:

  • Thay đổi không khí: Có thể dùng biện pháp thông gió tự nhiên hoặc dùng quạt thông gió.
  • Dùng máy hút ẩm, máy điều hoà không khí chạy liên tục trong kho 24/24 giờ trong một ngày đêm.
  • Dùng hoá chất hút ẩm như: Silicagel, vôi sống, canxi-clorua…
  • Tăng cường khả năng chứa ẩm của không khí: Ngoài những biện pháp điều chỉnh độ ẩm ở trên, ta có thể hạ độ ẩm bằng cách tăng nhiệt độ trong khoảng dao động cho phép trong kho. Như vậy, khả năng hút ẩm của không khí tăng lên và độ ẩm tương đối sẽ giảm xuống. Lưu ý, biện pháp này chỉ áp dụng khi nhiệt độ trong kho xuống thấp, khi đó việc tăng nhiệt độ sẽ không ảnh hưởng đến tài liệu đang lưu trữ trong kho.

Phòng chống nấm mốc, côn trùng và các loại gặm nhấm phá hoại tài liệu:

  • Phòng chống nấm mốc: Để phòng tránh nấm mốc phát sinh, trong kho phải luôn luôn sạch sẽ, thường xuyên quét dọn, lau chùi làm vệ sinh tài liệu, các phương tiện bảo quản và kho lưu trữ. TV phải luôn duy trì chế độ không khí, nhiệt độ và độ ẩm trong kho thích hợp. Khi phát hiện thấy nấm mốc trên tài liệu, phải tiến hành cách ly tài liệu đó ra ngay khỏi kho và áp dụng các biện pháp chống nấm mốc.
  • Phòng chống côn trùng: Để ngăn chặn, phòng chống các côn trùng phá hoại tài liệu, các TV phải thường xuyên làm vệ sinh tài liệu, các phương tiện bảo quản và kho lưu trữ; phải khử trùng tài liệu trước khi nhập kho.
  • Phòng chống chuột: Để phòng chuột, trước hết ta phải giữ gìn vệ sinh kho tàng, không để thức ăn trong kho lưu trữ tài liệu, bịt kín các hang chuột, khơi thông cống rãnh, làm lưới sắt bịt kín các lỗ thông hơi, ống thải nước… Nếu phát hiện có dấu hiệu xâm nhập của chuột trong kho, cần tăng cường các biện pháp để tiêu diệt chuột bằng bẫy hoặc bả diệt chuột.

Vệ sinh bụi bẩn tài liệu và giá kệ: Để tránh bụi bẩn bám vào tài liệu, giá kệ, việc vệ sinh phải được thực hiện định kỳ thường xuyên và phải có kế hoạch, quy trình làm vệ sinh rõ ràng.

Làm hộp bảo quản tài liệu: Đây là một trong những công tác cần thiết góp phần bảo vệ TLHN trước sự tấn công của côn trùng và các loài động vật gây hại. Ngoài ra, hộp bảo quản còn giúp các tài liệu đứng được khi đưa dựng lên giá kệ, vì đa phần các TLHN được làm bằng chất liệu giấy dó nên tài liệu rất mềm. Tuy nhiên, việc làm hộp bảo quản tài liệu không hề đơn giản. Nó đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật theo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 9252 : 2012) về Hộp bảo quản tài liệu lưu trữ, ban hành ngày 23/7/2012.

Phòng chống hoả hoạn:

  • Thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức của người làm TV trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
  • Có kế hoạch kiểm tra thường xuyên hệ thống báo cháy tự động trong kho, cũng như hệ thống các dây dẫn điện trong kho, kịp thời sửa chữa và thay thế các thiết bị hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn cháy nổ.
  • Tăng cường bố trí trong kho hoặc tại cửa ra vào kho một bình chữa cháy khí (bình CO2) để kịp thời cơ động khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
  • Có thể lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động bằng khí CO2 trong kho tài liệu. Đây là hệ thống chữa cháy hiện đại, đang được nhiều TV, cơ quan lưu trữ sử dụng.

2.7. Tăng cường công tác bảo quản phục chế

Để đảm bảo việc tu bổ và phục chế các TLHN hư hỏng, rách nát đạt hiệu quả và đảm bảo chất lượng, các TV có thể áp dụng các giải pháp sau:

Giải pháp 1: Sử dụng dịch vụ tu bổ và phục chế tài liệu của các đơn vị uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác phục chế các tài liệu cổ, quý hiếm như: các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, TV Quốc gia Việt Nam, TV Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Đây có thể nói là giải pháp hữu hiệu cho các TV trong điều kiện hiện chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện công tác tu bổ và phục chế tài liệu, cũng như thiếu thốn các trang thiết bị cần thiết cho công tác này.

Giải pháp 2: Các TV tự thực hiện việc tu bổ và phục chế các tài liệu bị hư hỏng khi hội đủ các điều kiện sau: có bộ phận chuyên trách thực hiện việc bảo quản, tu bổ và phục chế tài liệu; có phòng tu bổ và phục chế tài liệu; có đầy đủ các trang thiết bị và dụng cụ theo Quyết định số 591/QĐ-BVHTT, ban hành ngày 08/4/1998.

Hiện nay, có rất nhiều quy trình tu bổ và phục chế các tài liệu lưu trữ được các đơn vị lưu trữ, TV xây dựng như: Quy trình tu bổ tài liệu lưu trữ Quốc gia I; Quy trình vá, dán tài liệu và Quy trìnhbồi nền tài liệu của Cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Bình Định… Tuy nhiên, qua tìm hiểu và nghiên cứu, tác giả đề xuất các TV có thể áp dụng quy trình tu bổ và phục chế tài liệu lưu trữ của Trung tâm Tu bổ, Phục chế và Bảo tồn tài sản văn hoá Tokyo. Đây là quy trình có sự kết hợp giữa phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống (tức là kết hợp phương pháp Leafcasting và phương pháp thủ công), đã được các chuyên gia của Cục Văn thư Lưu trữ Quốc gia Việt Nam học tập tại Nhật áp dụng thực hành trên các TLHN Việt Nam.

2.8.Tăng cường công tác bảo quản tài liệu số

Để tránh nguy cơ gây mất an toàn dữ liệu hoặc các sự cố về an ninh mạng từ sự xâm nhập của kẻ xấu (hacker), virus máy tính, các TV cần nghiêm túc thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực hiện nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ các quy định và quy trình sao lưu dữ liệu theo định kỳ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều giải pháp lưu trữ mới được phát triển trong những năm gần đây. Trong số đó, có thể lựa chọn sử dụng giải pháp NAS (Network Attached Storage) - giải pháp lưu trữ dữ liệu điện tử/ số sử dụng các thiết bị lưu trữ đặc biệt gắn trực tiếp vào mạng như một thiết bị mạng bình thường (tương tự máy tính, công tắc điện hay bộ định tuyến), góp phần loại trừ và giảm yêu cầu về các thiết bị lưu trữ gắn trực tiếp vào các máy chủ. Giải pháp này giúp tăng cường tính sẵn sàng của dữ liệu, dữ liệu có thể được truy xuất bởi nhiều khách hàng khác nhau mà không bị ảnh hưởng bởi tình trạng của máy chủ. Ngay cả khi máy chủ có sự cố không hoạt động được, dữ liệu vẫn sẵn sàng cho các nhu cầu sử dụng của người dùng.

Bên cạnh đó, các TV cũng cần có kế hoạch nâng cấp hệ thống máy chủ, tăng dung lượng ổ cứng đảm bảo việc lưu trữ dữ liệu ngày càng tăng; Cập nhật Windows có bản quyền khắc phục các lỗ hổng EternalBlue của dịch vụ SMB (trên hệ điều hành Windows) nhằm hạn chế sự tấn công, lây lan nhanh của các mã độc đặc biệt là WannaCry (một loại mã độc phổ biến và nguy hiểm hiện nay); Cài đặt phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tựđộng trước sự tấn công của các nhóm virus máy tính nguy hiểm.

Ngoài ra, các TV cũng cần bổ sung nhân sự hoặc cử đào tạo NLTV phụ trách công nghệ thông tin thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, cũng như phát hiện kịp thời các sự cố, hư hỏng liên quan đến hệ thống máy chủ, các thiết bị lưu trữ, sao lưu dữ liệu. Đồng thời tham mưu, xây dựng các phương án đảm bảo an toàn dữ liệu số của TV.

Kết luận

Có thể nói, công tác bảo quản TLHN không phải là một nghề mới, mà là một trong những nhiệm vụ mới trong thời đại mới của các TV, bởi trong thời gian dài vấn đề bảo quản vốn tài liệu này chưa được chú trọng do nhiều hạn chế xuất phát từ ý thức con người; cơ sở vật chất; phương tiện, trang thiết bị; kinh phí; các kỹ năng thực hành bảo quản của NLTV. Đây cũng là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng xuống cấp của vốn TLHN tại các TV như hiện nay. Do đó, việc quan tâm, chú trọng hơn đến công tác bảo quản tài liệu, cũng như tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này sẽ góp phần kéo dài tuổi thọ của các TLHN, gìn giữ được kho di sản văn hoá thành văn của dân tộc. Mặt khác, thực hiện tốt công tác bảo quản tài liệu nói chung, vốn TLHN nói riêng còn là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của một TV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hồng Sinh. Nguồn tài nguyên thông tin: Giáo trình cho sinh viên ngành Thư viện - Thông tin học. - Tp. Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2014. - 180tr.

2. Nguyễn Xuân Diện, Chu Tuyết Lan. Lưu trữ - khai thác và phát huy giá trị di sản Hán Nôm trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn // Kỷ yếu hội thảo khoa học khai thác và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, 2010. - H.: Đại học Quốc gia Hà Nội. - Tr. 45 - 54.

3. Trần Nghĩa, François Gros. Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu = Catalogue des Livres en Han Nom, 1993. - H.: Khoa học Xã hội. - Tr. 15 - 25.


Tác giả bài viết: Trần Minh Nhớ

Nguồn tin: https://nlv.gov.vn/