06/08/2021
Điện gió ken đặc đất lửa Quảng Trị Bài 2: Hướng Hóa quay cuồng trong giấc mơ điện gió

Hàng chục dự án điện gió cùng lúc đổ về khiến lòng người Hướng Hóa không yên, đằng sau giấc mơ hóa rồng là hàng loạt nỗi lo hiện hữu.


Các dự án điện gió ồ ạt được triển khai trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Dấu hỏi quy hoạch?

Đành rằng qua quá trình khảo sát, cơ quan chức năng cùng các chuyên gia đánh giá nơi đây là khu vực có “chế độ gió” phù hợp hơn tất thảy để tiến tới hình thành các tổ hợp nhà máy điện gió. Dù vậy việc ưu tiên phân bổ theo hình thức “no dồn đói góp” là quá mạo hiểm, nhất là với một địa phương vốn dĩ “eo hẹp” cả về nhân lực lẫn vật lực như Hướng Hóa.

Khối lượng, tiến độ thực tế đã nói lên tất cả. Dự kiến đến 31/10/2021, thời hạn sau cuối để được hưởng giá ưu đãi, họa chăng chỉ 18/26 dự án với quy mô công suất 693,2 MW, tổng mức đầu tư trên 27.349 tỷ đồng đủ điều kiện đi vào vận hành thương mại. Đồng nghĩa nhiều cái tên đình đám khác sẽ bị tụt lại phía sau.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, ông Lê Quang Thuận chia sẻ dè dặt: Lúc này chưa thể khẳng định chắc chắn mức độ hiệu quả, phải đến khi tất cả dự án đi vào hoạt động mới đánh giá chính xác tình hình.

Lãnh đạo huyện Hướng Hóa xác nhận thêm, hiện có 3 dự án điện gió trên địa bàn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, gồm Amaccao, Hoàng Hải và Tài Tâm. Riêng dự án Amaccao, ghi nhận đến ngày 14/7 UBND tỉnh mới có quyết định cho thuê đất đợt 1, về phía Tài Tâm và Hoàng Hải huyện đã ra quyết định thu hồi đất lần 3, các doanh nghiệp vẫn đang hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định.

Bất kể “thiếu hụt” về thủ tục pháp lý, các dự án vẫn đang được các chủ đầu tư ngang nhiên đẩy nhanh tiến độ. Điều này khiến những hộ dân liên quan hết sức bất bình. Đơn thư, khiếu kiện được phát đi liên hồi, dù vậy quá trình xử lý chưa đến đầu đến đũa. Thực trạng này xuất hiện khá phổ biến tại các xã Hướng Tân, Húc… 

Thủy điện, điện gió tràn qua khiến đời sống thường nhật của nhân dân xã Hướng Linh bị đảo lộn tứ tung, dẫu không vui “cái bụng” nhưng phần đa đều đồng thuận vì chủ trương lớn của tỉnh nhà. Quỹ đất ở, đất canh tác vốn chẳng dư dả nay càng bị bó hẹp hơn, cảm nhận rõ sự bí bách nhưng vẫn phải “sống chung với lũ”, có những gia đình do thất vọng cùng cực, vợ chồng con cái thất thểu dắt nhau tìm về với lưu vực lòng hồ xưa kia.

Gộp cả 2 dự án điện gió đầu tiên là Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 của Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu, nay toàn xã Hướng Linh hiện diện đến 11 công trình. 

Chẳng giấu diếm, Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Giang nói rõ thực trạng bấy lâu: Dự án Phong Liệu liên quan đến 56 hộ dân ở bản Miệt Cũ, mới 36 hộ chấp nhận di dời vào khu tái định cư. Dự án Gelex một số cột gió không đảm bảo khoảng cách an toàn, người dân mong muốn được chuyển đến địa điểm mới nhưng chưa được giải quyết. Dự án Hướng Linh 4 đang quy chủ, chưa giải phóng mặt bằng…

Ghi nhận chung, một số hộ ở Hướng Linh thoát nghèo nhờ nhận tiền đền bù, cách này không bền vững. Có gia đình mạnh dạn phát triển kinh tế bằng cách đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nhưng chỉ là thiểu số. Dự án vào, cái lợi lớn nhất là đường sá được nâng cấp, dân bản có điều kiện mở rộng giao thương, buôn bán.

Ở chiều ngược lại, đồng bào mất đất sản xuất, mất môi trường, cảnh quan, mất cả tình làng nghĩa xóm. Theo xác nhận của lãnh đạo xã Hướng Linh, một số công ty không cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, họ ngang nhiên đổ chất thải vương vãi khắp nơi, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước sinh hoạt thường ngày và quá trình canh tác. 

“Khổ nỗi chính quyền cấp xã chỉ có chức năng phối hợp kiểm tra, nhắc nhở chứ không thể tiến hành xử phạt, nội dung này thuộc thẩm quyền của ngành Tài nguyên – Môi trường. Ngày trước tình làng nghĩa xóm bền chặt lắm, từ khi dự án điện gió tràn vào, liên quan đến kinh phí hỗ trợ GPMB nên tình cảm có phần sứt mẻ, phai nhạt dần. Chung quy cũng do lợi ích kinh tế mà ra”, ông Hồ Văn Giang tỏ vẻ tiếc nuối.

Hệ lụy nhãn tiền từ mất rừng, mất đất

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 11 dự án điện gió phải tiến hành chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ sang mục đích khác, quy mô trên 66ha. Dẫn đầu là Nhà máy điện gió Phong Nguyên với hơn 11,5ha; điện gió Tân Linh hơn 10,2ha; điện gió Phong Huy trên 9ha…

Nhắc chuyển đổi đất rừng phòng hộ, xin được đề cập đến Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo đó, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1 ngàn ha trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1 ngàn ha. 

HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha… Như vậy có thể hiểu HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất dưới 20 ha rừng phòng hộ.

Cần nói thêm, 11 dự án điện gió bắt buộc thực hiện chuyển đổi đất rừng phòng hộ của huyện Hướng Hóa lên tới 66 ha, các dự án này lại cơ bản đều tập trung tại những khu vực nhất định, đơn cử như xã Hướng Tân ghi dấu 9 dự án. 

Nói thế để thấy, cấp ngành chức năng tỉnh Quảng Trị thực sự "linh hoạt" trong vận dụng pháp luật. Ở đây HĐND tỉnh Quảng Trị đã quyết chuyển đổi rừng phòng hộ theo từng dự án, miễn sao mỗi dự án dưới 20 ha. Với cách này tổng diện tích rừng phòng hộ ở huyện Hướng Hóa mới lên tới 66 ha trong khi theo luật thì thẩm quyền của Thủ tướng cũng chỉ quyết được tới 50 ha.

Giải đáp thắc mắc "những hệ lụy kéo theo khi mất đất, mất rừng", phía Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị thông tin: Toàn tỉnh có trên 161 ha thuộc dự án điện mặt trời, hơn 131 ha thuộc các dự án điện gió phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

Gộp chung từ năm 2012 đến nay có trên 864 ha phải chuyển đổi để phục vụ các dự án phát triển KT-XH, AN-QP. Hiện tại địa phương đã bố trí trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thay thế được 706 ha, phần còn lại Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí trồng rừng phòng hộ, đặc dụng tại địa bàn 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa trong năm 2021.

Như vậy, xét đơn thuần về mặt diện tích tỉnh Quảng Trị còn thiếu gần 60 ha. Chưa kể, chất lượng rừng trồng bản chất không được đánh giá quá cao về tính bền vững.

Dưới góc độ chuyên môn, Sở NN- PTNT nhận thấy việc thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời mặc dù mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, góp phần tăng nguồn thu cho tỉnh nhưng ngược lại vẫn có những tác động, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Hiện các dự án điện gió tập trung chủ yếu tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, khu vực có địa hình dốc và chia cắt mạnh. Đành rằng các dự án điện gió chiếm dụng đất không lớn so với các loại hình điện năng khác, tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất trống lâm nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao, lại tập trung ở các vùng đồi núi, nơi có địa hình phức tạp và thường xảy ra các hình thái thiên tai phức tạp. Ngược lại cơ quan chức năng chưa có đánh giá tổng thể về tác động môi trường của toàn vùng, cũng như các chủ đầu tư chưa xây dựng được các kịch bản ứng phó với các loại hình thiên tai phức tạp.

Để đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững, dưới gốc độ của ngành chuyên môn, Sở NN-PTNT kiến nghị phải có quy hoạch vùng tổng thể về phát triển điện năng, phải đánh giá tác động môi trường toàn vùng trước khi đưa vào quy hoạch, đồng thời có chính sách phát triển đồng bộ, bền vững, đảm bảo tính đến tất cả các yếu tố, nguy cơ rủi ro tác động đến môi trường, sinh kế, đời sống người dân.


Tác giả bài viết:  Việt Khánh – Công Điền

Nguồn tin: Nông nghiệp VN / số 153 / trang 6 / ngày 3.8.2021