23/09/2022
Cựu chiến binh làm giàu nơi “vùng rốn lũ”

Sau nhiều chuyến đi tham khảo học tập mô hình phát triển kinh tế ở các vùng lân cận, cựu chiến binh Đặng Bá Trá (64 tuổi, thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đã lựa chọn được mô hình phù hợp để phát triển kinh tế ở vùng thấp trũng.


Với mô hình đa cây, đa con, ước tính gia đình ông Đặng Bá Trá thu lời khoảng 150 - 170 triệu đồng/năm.

Thu lời hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình đa con

Xã Hải Định nói riêng và khu vực Hải Lăng nói chung được xem là “vùng rốn lũ” của tỉnh Quảng Trị. Cũng chính vì vậy, việc phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng đất này luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Trá chia sẻ, ông từng đi tìm hiểu về cách thức, mô hình nuôi thỏ cũng như nhiều vật nuôi khác, tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tình hình, ông nhận thấy, chăn nuôi lợn, gà và vịt vẫn là dễ dàng, phù hợp hơn cả.

“Đây là những vật nuôi phổ biến từ lâu đời nên quá trình nuôi, chăm sóc cũng hết sức thuận lợi. Bên cạnh đó, nuôi các vật nuôi này có thể tận dụng sản phẩm nông nghiệp để tạo thức ăn. Tuy nhiên, khi chuyển từ việc nuôi nhỏ lẻ thành bầy đàn lớn hơn thì phải xây dựng chuồng trại, tiêm phòng bệnh cho vật nuôi một cách chu đáo hơn” - ông Trá chia sẻ.

Đến nay, gia đình ông Trá đã xây được mô hình chuồng tránh lũ cho lợn. Thông thường, đàn lợn của gia đình ông sẽ có khoảng 7 con lợn nái để sản xuất giống và 30 - 50 lợn thịt để bán ra thị trường. Theo tính toán của ông Trá, mỗi lứa lợn thịt thường có thời gian 4 tháng. Nếu thuận lợi, mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường 3 lứa với số lượng từ 120 - 150 con. Thu nhập từ việc nuôi lợn cũng mang lại lợi nhuận cho gia đình ông 70 - 80 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, gia đình ông cũng đã xây dựng hầm biogas để tận dụng, xử lý phân trong quá trình chăn nuôi lợn, tạo ra khí đốt phục vụ quá trình sinh hoạt trong gia đình.

“Những năm trở lại đây, gia đình tôi luôn duy trì tối thiểu 300 con vịt thịt. Mỗi lứa vịt nuôi khoảng 50 ngày. Khi lứa trước được 1 tháng tuổi thì tôi bắt đầu tiếp tục nuôi lứa tiếp theo. Ước tính mỗi năm tôi cũng thu về 40 - 50 triệu đồng tiền nuôi vịt” - ông Trá ước tính.

Tương tự, việc chăn nuôi gà cũng đang mang lại cho gia đình ông Trá khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Theo kinh nghiệm của ông Trá, gà được xếp thứ 3 về mức độ hiệu quả kinh tế trong mô hình chăn nuôi của gia đình. Ông không tập trung nhiều cho gà bởi vì thời gian mỗi lứa thường kéo dài từ 3,5 - 4 tháng.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng trọt

Gia đình ông Trá có 5 người. Trong đó, 3 người con đã trưởng thành và lập gia đình hoặc có công việc ổn định nên gần như việc chăn nuôi, trồng trọt chủ yếu do 2 vợ chồng ông đảm nhận.

Tuy nhiên, nhờ có máy móc hỗ trợ trong gần hết các bước trồng trọt nên đến nay 2 vợ chồng ông vẫn đang sản xuất 1,4 ha lúa. Ông Trá nói rằng, việc sản xuất lúa cũng mang lại lợi nhuận đáng kể, tuy nhiên, gia đình ông chủ yếu để thành phẩm lại phục vụ sinh hoạt của gia đình và chăn nuôi.

Trong trồng trọt, hành chăm (địa phương gọi là ném) đang là “chủ lực” của gia đình ông Trá. Hiện nay, với 2.500 m2 sản xuất loài cây này, ước tính mỗi năm gia đình ông đang thu lời khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Cùng với đó, ông Trá cho biết, ớt là loài cây mang lại “siêu lợi nhuận” với khoảng 10 triệu đồng/sào/năm. “Gia đình tôi trồng 1 sào ớt. Mỗi năm trồng 1 vụ. Trồng ớt nhẹ công hơn trồng lúa, thu nhập cao hơn và phù hợp với đất cát” - ông Trá chia sẻ.

Nếu cộng dồn từng loại cây trồng, vật nuôi ước tính mỗi năm gia đình ông Trá đang thu lời khoảng 200 - 250 triệu đồng. Tuy nhiên, ông khiêm tốn và chỉ đánh giá rằng gia đình mình lãi ròng khoảng 150 - 170 triệu đồng/năm.

Cựu chiến binh này giải thích, hiện nay, việc ước tính thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi là rất khó, bởi lẽ, tác động từ thời tiết, giá cả thị trường lên ngành này lớn. “Có thể tuần này đang bán với giá này, nhưng 1 tuần sau, 2 tuần sau đến lúc mình xuất chuồng thì giá giảm xuống. Đôi khi vì hàng nhiều, thương lái chưa kịp đến mua, phải nuôi thêm 3 - 5 ngày thì cũng tốn đến cả chục triệu đồng tiền thức ăn mà trọng lượng vật nuôi tăng lên không đáng kể. Còn dịch bệnh, lũ lụt nữa… nhìn chung, làm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bấp bênh” - ông Trá nói.

Ông Trá mong muốn địa phương sẽ có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn; bởi lẽ, lúc đó việc tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi được phổ biến hơn, bên cạnh đó, khi nơi đây đã trở thành “vựa hàng” sẽ khiến thương lái đến mua bán tại địa phương tấp nập hơn, tiêu thụ thành phẩm dễ dàng hơn... “Tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, đặc biệt là vịt. Cùng với đó, tôi đang vận động một số gia đình cũng tham gia như tôi để tạo nên môi trường phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương” - ông Trá chia sẻ.

Theo ông Lê Ngọc Trình - Chủ tịch UBND xã Hải Định, gia đình ông Đặng Bá Trá là một trong số ít gia đình đã xây dựng được mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô và hiệu quả tại địa phương. Những năm thuận lợi, gia đình ông Trá thu lời hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh.


Tác giả bài viết: Nghĩa Văn

Nguồn tin: Đại đoàn kết / số 265 / trang 4 / ngày 22.9.2022