19/10/2021
Chuyển đổi số ngành Thư viện: Đột phá để phục vụ độc giả

“Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong công tác phục vụ độc giả thời kỳ mới. Hiện hệ thống thư viện công cộng, thư viện bộ, ngành đang tích cực chuyển đổi số, song để đạt mục tiêu và hiệu quả cần sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.


Thiết bị phục vụ số hóa tài liệu của ngành Thư viện được trưng bày tại một sự kiện do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức trước tháng 7-2021. Ảnh: Thụy Du

Chuyển động trên nền tảng số

Hơn 1 năm qua, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lần Thư viện Hà Nội phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp. Thế nhưng, độc giả của Thư viện Hà Nội vẫn không bị gián đoạn việc mượn, đọc sách. Anh Nguyễn Đức Toàn (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Mặc dù phải ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội, nhưng tôi có thể tra cứu, yêu cầu mượn sách, gia hạn sách trên website của Thư viện Hà Nội một cách dễ dàng”. Đây là một phần trong những chuyển động của Thư viện Hà Nội để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc hiện nay.

Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà cho biết, trong những năm qua, Thư viện Hà Nội đã thay đổi từ hoạt động truyền thống sang hoạt động trên nền tảng số, đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả. Từ năm 2016, Thư viện Hà Nội đã thực hiện đăng ký cấp thẻ bạn đọc trực tuyến. Năm 2020 và 2021, để vừa bảo đảm việc phục vụ bạn đọc, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, thư viện triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua trang Facebook của thư viện. Bên cạnh đó, thư viện cũng tổ chức nhiều triển lãm sách trực tuyến, giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề qua website và trang Facebook. Vì thế, hoạt động phục vụ bạn đọc vẫn được duy trì. Trong 7 tháng của năm 2021, thư viện phục vụ 757.960 lượt bạn đọc, với hơn 1,3 triệu lượt tài liệu. Về số hóa tài liệu, đơn vị đã xây dựng bộ sưu tập số sách, báo, tạp chí với 3.900 tên tài liệu (khoảng 300.000 trang); thực hiện 192 tên sách nói dành cho người khiếm thị. Đặc biệt, Thư viện Hà Nội đã hướng dẫn, hỗ trợ 20 thư viện quận, huyện, thị xã của Hà Nội ứng dụng phần mềm quản lý thư viện, nhằm phục vụ bạn đọc thuận tiện hơn.

Cũng sử dụng nhiều dịch vụ thư viện tiện ích trên nền tảng số, chị Nguyễn Như Quỳnh (phường Thành Công, quận Ba Đình), bạn đọc của Thư viện quốc gia Việt Nam cho hay: “Ngoài việc tra cứu tên sách muốn mượn đọc, tôi còn truy cập và đọc nhiều tài liệu bổ ích được thư viện cung cấp trên nền tảng số”. Thư viện quốc gia Việt Nam có hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và bộ sưu tập số gần 112.000 cuốn (khoảng 8 triệu trang). Trong những năm qua, thư viện đã dần triển khai các dịch vụ trên nền tảng số, như tra cứu thư mục trực tuyến, đọc trực tuyến...

Theo điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thư viện 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hầu hết các thư viện đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý tại các thư viện chưa đồng bộ và phù hợp với nhu cầu bạn đọc hiện nay.

Chuyển đổi số ngành Thư viện: Đột phá để phục vụ độc giả - Ảnh 2.

Việc chuyển đổi số ngành Thư viện là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, tiết kiệm thời gian cho độc giả. Trong ảnh: Độc giả tìm sách trên website của Thư viện Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Xây dựng mạng lưới thư viện hiện đại

Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng internet. Vì vậy, việc chuyển đổi số ngành Thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.

Còn theo Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga, việc triển khai chương trình chuyển đổi số là cơ hội để ngành Thư viện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ nguồn lực, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh. Thư viện quốc gia Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung để phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước.

Về phía thư viện địa phương, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà thông tin, Thư viện Hà Nội sẽ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản lý thư viện số, tăng cường số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số, hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến… Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số, các thư viện cần được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý thư viện số hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện...

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quốc Hùng cho biết, ngày 23-7-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ban hành kế hoạch triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Vụ Thư viện sẽ chủ trì triển khai phục vụ chuyển đổi số và quản lý ngành Thư viện về chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực; vận động và tìm nguồn tài trợ, xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho việc chuyển đổi số... Mục tiêu là hướng tới xây dựng mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong việc phục vụ bạn đọc.


Tác giả bài viết: pv

Nguồn tin: Theo hanoimoi.com.vn