16/01/2023
Bệnh viện đa khoa Quảng Trị trước nguy cơ gián đoạn hoạt động 3 tháng

Sau 4 tháng Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị hoàn thiện các thủ tục đấu thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm của năm 2023, nhưng do vướng quy định mới của Bộ Y tế, các công đoạn trên phải làm lại từ đầu. Điều này khiến Bệnh viện đứng trước nguy cơ bị gián đoạn hoạt động.


Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị- NGUYỄN PHÚC

Gần đến đích nhưng phải vòng lại

Hằng năm, để chuẩn bị cho việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm dùng cho năm sau, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị mất chừng 5 - 6 tháng để hoàn thành các thủ tục liên quan. Năm 2023, đơn vị cũng thực hiện các bước từ đầu quý 4/2022. Đến ngày 9.12.2022, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết 107/NQ-HĐND, thống nhất chủ trương chi hơn 178,7 tỉ đồng từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế, nguồn thu dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác tại BVĐK tỉnh Quảng Trị để mua sắm trang thiết bị y tế năm 2023 cho BV này. Theo kế hoạch, năm 2023, BVĐK Quảng Trị được duyệt 4 gói thầu gồm mua sắm vật tư thông thường, hóa chất sinh phẩm, ngoại khoa và tim mạch. Căn cứ quy định của các thông tư của Bộ Y tế trước đây, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch trong thời gian dài nhằm để quá trình đấu thầu mua sắm sẽ đúng tiến độ, dự kiến đến tháng 6.2023 sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu.

“Muốn xây dựng kế hoạch mua vật tư, hóa chất của năm, BV phải lập kế hoạch từ dưới khoa, phòng để Hội đồng của BV thông qua trước khi trình lên Sở Y tế, tham mưu lại cho UBND tỉnh. Kế hoạch cụ thể này sau đó phải được HĐND tỉnh thông qua rồi UBND tỉnh mới ký kế hoạch. Từ đây, BV mới thực hiện các thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng, nhập thuốc. Toàn bộ quy trình khá rườm rà trên mất chừng 6 tháng. Đối với năm 2023 này, chúng tôi đã đi được khoảng… 4 tháng, nhưng giờ lại lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan”, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị, cho biết.

Nguyên nhân, theo tìm hiểu của Thanh Niên là do Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2022/TT-BYT ngày 6.12.2022 về việc bãi bỏ một phần quy định của Thông tư 26/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2020/TT-BYT đã ban hành, trong đó có nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế. Cụ thể, bãi bỏ điều 9, Thông tư 26/2019 quy định về danh mục thuốc hiếm và cụm từ “cập nhật Quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc hiếm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược trong thời gian 3 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định” tại khoản 1, điều 10. Bãi bỏ khoản 3, điều 8, Thông tư 14/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế: Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế.

Chính những quy định mới buộc BVĐK Quảng Trị phải “xé nháp”, quay lại vạch xuất phát để rà soát, sửa đổi giá các gói thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm năm 2023. Chính vì vậy, phải qua tháng 9.2023 mới có kết quả đấu thầu mua sắm thay vì tháng 6.2023 như dự kiến. “Như vậy, từ tháng 6 - 9.2023, BV sẽ thiếu trang thiết bị y tế gây gián đoạn công tác khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của BV”, ông Trương Xuân Nhuận, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị, phân tích.

Cần khoảng thời gian chuyển tiếp

Trước những khó khăn trên, BVĐK tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi cơ quan cấp trên, đề xuất tạo điều kiện để BV được tiếp tục hoàn thiện các công đoạn đã thực hiện với năm 2023. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị giúp tỉnh có căn cứ, có công văn gửi Bộ Y tế.

Nói thêm về Thông tư 14/2022/TT-BYT, ông Trần Quốc Tuấn cho biết đây là thông tư có những quy định có tính “cởi trói” cho nhiều quy định vốn chưa phù hợp đã ban hành trước đây. “Tôi cho rằng áp dụng Thông tư 14/2022/TT-BYT là rất cần thiết trong tình hình hiện tại của ngành y. Tuy nhiên, cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới để các BV có sự chuẩn bị, chủ động hơn”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, một vị lãnh đạo của BVĐK tỉnh Quảng Trị ví von rằng hoàn cảnh của đơn vị lúc này như một chiếc xe đã đi vòng qua đường đèo khó nhọc, nhưng khi gần đến đích thì nhà chức trách đã thông tuyến đường hầm xuyên núi thông thoáng để việc đi lại thuận tiện hơn, nhưng ngặt nỗi nhà chức trách yêu cầu phải quay lại từ đầu để đi đường hầm.


Tác giả bài viết: Nguyễn Phúc

Nguồn tin: Thanh niên / số 13 / trang 12 / ngày 13.1.2023